Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

MẢNH SÀNH CONG

MẢNH SÀNH CONG
             
                      Thân tặng: Vân Anh


Thân em từ đất sinh ra.
Bàn tay người nặn nõn nà, hong khô.
Tráng men, nung lửa trong lò,
Thành ra: bát, chén, vại, vò, bình ,be.

Trăng tròn vừa tới ngọn tre,
Là khi em được bưng, bê, chào, mời.
Bát thù, chén tạc, đầy, vơi;
Men nồng, thịt béo, lả lơi, bông đùa.

Bỗng vang lên tiếng chuông chùa,
Điểm thời gian, báo canh khuya, quá rằm
Say sưa kẻ đứng, người nằm…
Một chàng ngộ tửu hầm hầm đá mâm.

Bao nhiêu chén, vại vô tâm,
Vỡ tan, tản tác trong gầm, ngoài hiên.
Trách người dở tỉnh, dở điên,
Để đời em khổ triền miên tháng ngày.

Ai làm ra cái men say?
Ai sinh ra cảnh xéo giày, lông ngông?
Vò lành thành mảnh sành cong,
Âm thầm nằm giữa ngõ trong, đường ngoài.

Mấy chàng công tử ra oai,
Mảnh sành cong vật ngã nhoài, chỏng chơ
Giá như học trước chữ “Ngờ”
Mảnh sành cong chẳng bao giờ hại đâu!



Bàibình và ảnh:NSNA NGÔ TOÀN THẮNG

GỐM PHÙ LÃNG BẮC NINH
Tháng 7_2010
NGẪM VỀ LỜI  RU: “MẢNH SÀNH CONG”
Mảnh sành cong là sản phẩm bất đắc dĩ của những bình gốm lành lặn được con người nhào nặn, nâng niu; thậm chí còn giữ gìn như vật gia bảo, truyền từ đời này qua đời khác thành những đồ cổ giá trị hàng vạn USD. Bởi vậy mở đầu bài thơ tác giả đã phác họa những công đoạn cơ bản của một nghề truyền thống làm nên những sản phẩm thủ công giá trị đó:
Thân em từ đất sinh ra.
Bàn tay người nặn nõn nà, hong khô.
Tráng men, nung lửa trong lò,
Thành ra: bát, chén, vại, vò, bình ,be.
Đấy là nói theo nghĩa đen. Nghĩa bóng là đời người con gái trinh nguyên với tất cả những vẻ đẹp tự nhiên do đất trời ban tặng hoặc nói theo quan niệm dân gian: Mười hai bà Mụ đã nặn nên hình hài của con người ngay từ trong “khuôn lò”-bụng mẹ.
         Tài nghệ của tác giả khi lấy cảnh tả tình cũng đồng thời nói lên cái tuổi trăng tròn của người con gái đang độ dậy thì đong đưa, duyên dáng, bẽn lẽn, mộng mơ; đó là lúc cuộc đời chiều chuộng, nâng niu, lả lơi, bông đùa,… trân trọng nhất:
Trăng tròn vừa tới ngọn tre,
Là khi em được bưng bê, chào mời.
Bát thù, chén tạc, đầy, vơi;
Men nồng, thịt béo, lả lơi, bông đùa.
                        Bài thơ chuyển sang tiếng chuông chùa quá đột ngột gây ấn tượng cho người đọc bởi cái lẽ: con người là một chủ thể nhưng đồng thời cũng là khách thể của xã hội và tự nhiên. Tiếng chuông chùa vang lên để nói thời gian đang chảy với những quy luật nghiệt ngã cùng vời các luật lệ khe khắt do con người tự đặt ra để duy trì sự ổn định của cộng đồng. Một đêm trăng rằm theo nghĩa tả thực nhưng còn ẩn sâu trong đó là những cuộc truy hoan lơi lả, bông đùa, say men nồng của rượu, say men tình bản năng hoang dại. Đã quá nữa đêm tức là vượt ngưỡng, vượt luật lệ mà hương ước của cộng đồng đã đặt ra.
Bỗng vang lên tiếng chuông chùa,
Điểm thời gian, báo canh khuya, quá rằm
Say sưa kẻ đứng, người nằm…
Một chàng ngộ tửu hầm hầm đá mâm.
                                          Cái anh chàng: “…ngộ tửu hầm hầm đá mâm” chỉ là cái cớ cụ thể để tác giả oán trách con người trong cái cộng đồng ấy đã và đang chà đạp thân phận người phụ nữ mảnh mai, đôn hậu, đoan trang, vô tội.
Bao nhiêu chén, vại vô tâm,
Vỡ tan, tản tác trong gầm, ngoài hiên.
      Lấy cái cụ thể để ẩn dụ trừu tượng vốn là một thủ pháp truyền thống của ca dao, dân ca việt nam. Với những vần thơ lục bát đậm tính ca dao, tác giả đã đưa ta vào lời ru ai oán, nhẹ nhàng, cam chịu của người phụ nữ đời nào cũng vậy thôi; đây là một hạn chế mang tính xã hội chưa cải tạo được triệt để, mặc dù thời đại phong kiến đã qua đi nhiều năm nhưng tính bảo thủ của lề thói xã hội vẫn không dễ sửa đổi:
Trách người dở tỉnh, dở điên,
Để đời em khổ triền miên tháng ngày.

Ai làm ra cái men say?
Ai sinh ra cảnh xéo giày lông ngông?
Vò lành thành mảnh sành cong,
Âm thầm nằm giữa ngõ trong, đường ngoài.
                                Phảng phất lời ru theo kiểu ru con Nam bộ trong cái cảnh tình Bắc bộ là điều đặc biệt của những vần thơ này. Cái lối nói với người ta (đại từ nhân xưng ngôi thứ ba) thông qua lời ru nó bồng bềnh sông nước xứ Chiêm Thành loạn lạc, chơi vơi quanh năm xa chồng vì chiến tranh, giặc dã, đổ vỡ, tan hoang. Ở đây có ý nói với những kẻ vô trách nhiệm với cuộc đời chỉ để thỏa mãn những thú vui tầm thường, xác thịt, tồi tệ. Tất cả cũng bởi một nguyên nhân cụ thể là cái “men say”. Vì thế mà vò lành thành bình vỡ, thành những “mảnh sành cong” cụ thể; hay những mảnh đời người phụ nữ bị trà đạp nhân phẩm bởi cái gọi là “bạo lực gia đình”? Thế nhưng cái bản chất tốt đẹp của họ vẫn không hề mai một: sinh ra từ đất, qua “nhào nặn, lửa nung”, qua thăng trầm, bão tố và đến khi đổ vỡ vẫn âm thầm chịu đựng, mẫn cảm với cuộc đời:
Vò lành thành mảnh sành cong,
Âm thầm nằm giữa ngõ trong, đường ngoài.
                        Toàn bộ năm khổ thơ trên (20 câu tương đương với lứa tuổi đẹp nhất của người con gái vô tư hồn nhiên trước cuộc đời chất chứa bao ước mơ, hoài bão, hay đơn cử chỉ là ước muốn một hạnh phúc đích thực, giản dị như bao người) chỉ là những lời trình bày ai oán, trách cứ nhẹ nhàng và phảng phất sâu cay. Nếu chỉ có vậy bài thơ sẽ dừng lại mà không gây ấn tượng gì đáng để lưu tâm. Ý tứ dồn nén lại được bung thả cũng thật dịu dàng ở khổ thơ cuối cùng ( bốn câu cuối bài là cả sự từng trải đớn đau chấp nhận nhưng không cam chịu; sẵn sàng thách thức với “Mấy chàng công tử ra oai” con nhà giàu danh giá thuộc tầng lớp trên coi thường đạo lý, phép nước, lệ làng mà nhâng nháo lông ngông hãy liệu thần hồn với “chị mày” đây – “Mảnh sành cong” đó em ơi! Đời là vậy mọi điều dù phức tạp đến đâu cuối cùng cũng được đơn giả hóa để đưa về trạng thái ổn định: năng lượng nội tại cân bằng với các ngoại năng:
Mấy chàng công tử ra oai
Mảnh sành cong vật ngã nhoài, chỏng chơ.
                             Nhưng nếu “…Học trước chữ Ngờ…” nghĩa là người đời hãy biết phân biệt, nhận ra lẽ sống nhuần nhụy, tình làng, nghĩa nước, tình vợ, nghĩa chồng, tình đồng loại bản năng sinh tồn v.v…thì chắng ai nỡ làm hại nhau, để thêm sầu, thêm khổ, thêm đổ vỡ tan tành, thê lương, bất hạnh:
Giá như học trước chữ “Ngờ”
Mảnh sành cong chẳng bao giờ hại đâu!
      Hai câu khép lại bài thơ hay còn có thể gọi là lời ru, đứa trẻ được ru chắc là đã ngủ chập chờn vì nó đang được nâng niu gìn giữ trong vòng tay người mẹ đã chấp nhận, đương đầu với khổ đau để đời con không đổ vỡ. Chúng ta những người ở ngôi thứ ba sẽ nghĩ gì đây? Mời các bạn cùng bình luận thêm.
Bài bình của chú Hoàng Lan

Bốn câu thuộc khổ thơ đầu là điểm xuất xứ để rồi xuất hiện hình ảnh một sản phẩm tuyệt tác từ đất, có thật và rất thật trong cuộc sống của chúng ta. Cũng từ hình ảnh này, tác giả bài thơ đã khéo léo liên tưởng đến hình ảnh của một người con gái đương thì “ Thân em như chẽm lúa lòng đòng, phất phơ dưới ngọn nắng hồng ban mai”, một người con gái trong như ngọc:

“Trăng tròn vừa tới ngọn tre,
Là khi em được bưng, bê, chào, mời.
Bát thù, chén tạc, đầy, vơi;
Men nồng, thịt béo, lả lơi, bông đùa.”

Bốn câu thơ trên đã bộc lộ và chuyển hóa hoàn toàn từ một sản phẩm của đất. Hình ảnh đang độ mộng căn của tuổi thời con gái cũng được tạo hóa của đất trời sinh ra long lanh tuyệt vời mà ai đã một lần nhìn ngắm đều phải trầm trồ, nâng niu, sợ vỡ mất khỏi tầm tay như những chiếc bình đáng giá ngàn vàng kia. Sự “mời chào”, “chén tạc”, “lả lơi”,….là điều dễ hiểu. Hoa đẹp, đang độ ướm mật dưới nắng hồng làm sao không có các chú bướm, chàng ong ve vãng, mê hồn….!
Tuy nhiên, ở trên đời, không gì tồn tại vĩnh cửu, hoa đẹp rồi cũng đến lúc phải tàn, đây cũng là qui luật của thời gian. Trăng tròn rồi sẽ khuyết mà. Ở tuổi thời con gái rồi cũng qua đi :

“Bỗng vang lên tiếng chuông chùa,
Điểm thời gian, báo canh khuya, quá rằm”

Thật là đáng tiếc, trong xã hội ta còn lắm kẻ điêu ngoa, chỉ biết sống thực tại, ích kỷ cho riêng mình mà không đoái hoài đến nỗi khổ tâm của người xung quanh, đặc biệt với chính người mà mình đã từng “yêu hoa, hưởng nguyệt”. Dù người con gái ấy đã qua cái tuổi “quá rằm” nhưng họ cũng chính là họ, là đóa hoa xuân ngày ấy kia mà…! Cái tình, cái nghĩa đâu mất rồi…! để sau đó bộc lộ bản chất xấu xa của chính mình:
“Say sưa kẻ đứng, người nằm…
Một chàng ngộ tửu hầm hầm đá mâm.”
Hậu quả này ta đừng trút lỗi cho “tửu”. “Tửu” đóng vai trò nhơn nghĩa thâm giao. “Tửu” còn là lễ nghĩa trong kiếp duyên tình, mở đầu cho buổi ban giao hôn nhân trăm năm hạnh phúc. Như vậy, “Tửu” đâu có lỗi gì….! Sự trút lỗi cho tửu chỉ là cái cớ.
"Ai làm ra cái men say ?
Ai sinh ra cảnh xéo giày, lông ngông ?"
 Cái cớ để sau đó biến người con gái thành chiếc “mảnh sành cong”, nổi trôi, chịu đựng âm thầm bên lề cuộc sống:
“Vò lành thành mảnh sành cong
Âm thầm nằm giữa ngõ trong, đường ngoài”
Thế mà cũng lắm kẻ lợi dụng chút “men nồng” của “tửu” để rồi dẫm đạp ngay cả trên nhân phẩm của chính mình. Một nỗi oán hờn chồng chất vì sự sức mẻ cứ nén mãi trong tâm, để rồi tự thét lên tiếng kêu than thân trách phận của người con gái đương thời:
"Trách người dở tỉnh, dở điên
Để đời em khổ triền miên tháng ngày"
Có một điều, dân tộc Việt Nam ta có câu : :Lành làm gáo, vỡ làm môi” vẫn trân trọng, nâng niu mới phải, đằng này thì quá “vô tâm”, một phần nào đó đã có sự sai lệch chuẩn mực truyền thống đạo đức, cốt cách của con người Việt ta rồi ! Để sau đó sự oán hờn chồng chất, ngày một nhân lên. Một nỗi bức xúc vì o ép đến tột cùng, người con gái phải tự thân mình đứng lên vật ngã đối phương:
"Mấy chàng công tử ra oai
Mảnh sành cong vật ngã nhoài, chổng chơ"
 
Giá như trong cộng đồng ai cũng hiểu và lường trước được để rồi hãy chấp nhận với thời gian, chắc chắn sẽ không có chữ “Ngờ”, vì người con gái ngày nào, dù có qua bao nắng mưa tôi luyện thì chính họ càng trưởng thành vững chải trong tình yêu và cuộc sống, bỡi lẽ chính họ mới là nền tảng để xây dựng mầm móng hạnh phúc kia mà. Họ vẫn đắm đuối trong vòng tay yêu thương mênh mông biết chừng nào, sự vật ngã đối phương ở họ chẳng qua là sự bức xúc, nhưng chưa chắc họ đã làm được điều gì. Bỡi họ là con người yếu đuối, chịu đựng và nhân ái biết bao:
"Mảnh sành cong chẳng bao giờ hại đâu"
Tác giả bài thơ muốn gởi gắm lời tâm sự từ cõi lòng đến chúng ta, mong trên cõi đời này ai cũng được sống trong niềm hạnh phúc, trọn nghĩa vẹn tình trước sau như một. Đây cũng là nỗi niềm trăn trở và mong đợi ở những chàng trai, cô gái đang tuổi xuân thì, chập chững bước vào ngưỡng cửa của tình yêu và hôn nhân hạnh phúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét