Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Viết tặng Liệt sĩ Ngô Đảo Tư

Nước mắt của mẹ lại rơi. Nỗi xót xa của sự mất mát cứ quặn sâu trong lòng mẹ. Có người mẹ nào không vui mừng đón nhận con mình ra đời, hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Có người mẹ nào không khắc khoải chờ tin con trong chiến tranh lửa đạn một thời hy vọng mỏng manh. Để rồi hôm nay, tôi được biết thêm một người mẹ nữa, cũng là sự chờ mong mỏi mòn, chỉ chờ  vơi đi phàn nào bằng một niềm tin: Tìm được nơi con yên nghỉ để đón nắm sương tàn lạnh lẽo của con về lại trong vòng tay của mẹ thuở nào.
      Ai cũng có thời khắc sinh ra và lớn lên. Nhớ nhất trong đời người hai ngày, đó là ngày sinh và ngày mất. Còn nhớ lắm ngày con ra đời, lòng mẹ lâng lâng trao yêu thương bằng giọt sữa ngọt ngào còn hơi cay của mùi khói đạn. Con lớn lên khi đất nước ta còn chìm trong bể khổ, li tán. Ai ai cũng ý thức được điều đó trong chốc lát, mẹ cũng vậy. Bát cơm thấm dòng nước mắt, nhưng rồi mẹ vẫn cứ nuôi con lớn khôn, đủ vững vàng thành một anh thanh niên khí phách hiên ngang, đôi mắt sáng rực rỡ như ngôi sao, hừng hực nhiệt huyết anh hùng, cầm súng bảo vệ quê hương. Mẹ hiểu, đất nước đặt trọn niềm tin vào những con người khí phách như các con của mẹ.
      Thế là con và mẹ chia tay, một cuộc chia li không ngày hẹn gặp! Anh ra đi ! Mẹ ngăn dòng nước mắt tiễn anh lên đường làm nhiệm vụ của một người con hiếu thảo, yêu nước. Bàn tay nhỏ liêu xiêu giơ cao vẫy chào trong thương cảm chênh vênh. Có khi nào cuộc chia tay lại trở thành chia li hay không? Chiến tranh là câu trả lời cho tất cả những người ra đi và người ở lại. Nỗi nhớ quặn thắt nơi mẹ chẳng thể ngăn bước anh lên đường. Sự thầm lặng của mẹ dõi theo anh trong ngày nắng lửa bom rền.Thế rồi anh đi và đi mãi mãi.
      Anh trở về với mẹ bằng một tờ giấy. Cái lạnh buốt nơi sống lưng khi đôi bàn tay run run đón nhận tin anh:
      ''Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin,
      Liệt sĩ Ngô Đảo Tư đã hi sinh anh dũng
      Tại mặt trận phía Nam...'' Kí tên và đóng dấu.

Anh về với mẹ “êm đềm” thư thế đấy. Những người thân yêu chào đón anh bằng những giọt nước mắt nhập nhòa tờ thông điệp mà bất cứ ai khi nhận cũng rụng rời tâm khảm. Tổ Quốc ghi công anh và câu trả lời mới tạm thời như vậy. Đất nước vẫn còn gồng mình trong cuộc trường chinh khốc liệt nhất lịch sử dân tộc ta.
      Tất cả tuổi xuân của một con người
      Vĩnh biệt cõi đời.
      Câu trả lời vẻn vẹn có vậy thôi.
      Có nỗi đau nào giống nỗi đau nào,có sự mất mát nào lại đem ra so sánh với nỗi đau người mẹ mất con bỏ xác nơi chiến trường mãi mãi. Ngày anh đi mẹ còn tiễn anh kia mà, sao anh về mẹ chỉ mong một nắm xương tàn cũng thật khó khăn? Nỗi nhớ cứ ngày càng chồng chất xen nỗi xót xa, chia lìa. Mẹ nhớ anh, nỗi mong ấy chỉ biết hướng về nơi di ảnh nghi ngút khói hương tàn lạnh lẽo. Gọi tên anh trong vô vọng, lặng thầm, ảm đạm, thê lương. Dấu chân mẹ in theo những nẻo đường anh đã đi qua để tìm lại nơi anh nằm xuống. Nước mắt nhỏ thành dòng thương nhớ mong anh sớm về bên mẹ, ấp ủ bên ''bầu sữa tâm linh'' căng tròn kể từ ngày anh đi. Dòng sữa ngọt trắng trong không bao giờ cạn mẹ dành cho con lúc xa cửa, xa nhà. Người con trai còn trinh nguyên, chưa một lần được trao và nhận nụ hôn đầu vụng về, e lệ, đã cầm súng ra trận và mãi không về. Nhìn bạn bè trang lứa với con đã yên bề gia thất khiến lòng mẹ quặn thắt . Có chăng ngọn gió lành nào đưa con về với mẹ, để ngày gặp con mẹ vơi bớt nỗi xót xa chất chứa bao ngày qua. Con đã vĩnh biệt tuổi xuân, vĩnh biệt cõi đời để lại sự nhức nhối trong tâm can mẹ:
      ''Ngày giỗ của anh cả nhà biết được đâu
      Đành tạm lấy ngày thương binh liệt sĩ
      Anh hi sinh trên chiến trường diệt Mĩ
      Giấy báo tử nhòa nước mắt người thân''
“Ngày giỗ '' của con giờ đây mẹ vội lấy ngày tưởng nhớ chung của cả nước. Bia mộ ai cũng ghi rõ hai ngày, còn con mẹ không biết đặt tìm bia mộ nơi nao. Gía như ngày được báo tin con hi sinh, mẹ và gia đình được tận tình đón nhận tin thật rõ ràng ngày hi sinh để tưởng nhớ. Nỗi mất mát có thể vơi đi được phần nào nếu như Đảng và Nhà nước ta quan tâm hơn, có trách nhiệm hơn với người nằm xuống, giấy báo tử rõ ràng hơn, không chỉ vẻn vẹn đôi ba dòng không cụ thể. Bởi vậy, niềm mơ ước nhỏ nhoi của mẹ cũng là mong mỏi của bao thân nhân  các liệt sĩ muốn giỗ đúng ngày cũng không dễ dàng gì, huống chi hơn 40 năm qua mẹ ròng rã tìm con, lần vết bao ngôi mộ vô danh mà chưa nghe thấy tiếng con gọi mẹ. Một mong mỏi nhỏ nhoi nhưng lại rất cần thiết trong đời sống tâm linh của người phương Đông.    Nỗi đau vẫn mãi là nỗi đau! Mẹ chỉ cần tìm lại những gì có thể để vơi đi phần nào nỗi đau mãi vò xé lòng mẹ cùng bao người thân yêu, ruột thịt của anh.
      Nỗi đau chồng chất nối đau! Hôm nay đây cả nước đang rực cờ chào đón hân hoan ngày toàn thắng. Người nằm xuống như nở nụ cười mãn nguyện trước vận mệnh nước nhà. Có ai thấu chăng trong cuộc kháng chiến ác liệt ấy, cuộc chiến hào hùngcủa dân tộc đầy đau thương và mất mát để đổi lấy độc lập tự do cho dân tộc hôm nay. Dòng tên của người ra đi khắc vội trên gốc cây, hốc đá, có kịp nhoà nhạt thay nước mắt người tiễn đưa.
      ''Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh
      Anh có tên như bao khuôn mặt khác
      Mẹ sinh anh tròn ngày ,tròn tháng
      Cha đặt tên chọn tuổi,chọn mùa
      Anh nhận ra lưỡi cày,lưỡi hái''
Con của mẹ ra đi không ngày trở lại. Cái hi vọng mong manh ấy chỉ làm cho mẹ luôn sống trong mòn mỏi đợi chờ. Chiến tranh cũng  qua rồi, người nằm đó vẫn lặng lẽ chờ mong. Ai sẽ là người bù đắp cho nỗi đau xé lòng đây?
      ''Khi đất nước thanh bình trở lại
      Gia đình mình đựơc địa phương ưu đãi
      Gửi tặng một nghìn viên gói Hương Canh
      Góp phần thay cái mái nhà tranh
      Ngày anh ra đi chưa kịp làm cho mẹ
      Thật trân trọng đó là quà tình nghĩa
       Quê hương nghèo đùm bọc nỗi thương đau
      Cũng vơi phần nào nỗi cực nhọc,âu sầu
      Quệt bã trầu cay mẹ cười mỏm mẻm.''

      Một chút thôi xoa dịu nhẹ nỗi đau, một sự quan tâm nhẹ nhàng thăm hỏi tới mẹ khiến mẹ dịu lòng. Ta không thể có một cuộc trao đổi cụ thể để nhìn ra được cái mất và cái còn, người ra đi và người ở lại. Mẹ thầm cám ơn sự quan tâm, chia sẻ cùng mẹ sự mất mát khôn cùng. Phải chăng Quê hương đã giúp con của mẹ làm nốt phần còn lại mà con chưa kịp chăm lo. Có ai thay thế được con của mẹ không nào? Có ai thay thế được những hi sinh thầm lặng của mẹ và bao thân nhân trong ngày lửa đạn cũng như lúc đất nước thanh bình? Nỗi buồn của mẹ cứ ngày càng chất chứa. Cái vinh danh mà ta đón được có phải là cái mong muốn của bao con người đã và đang phải tiếp tục chịu đựng hy sinh?Đến khi nào có thể bù đắp cho hết đây?


''Nhà mình ở sâu trong ngõ hẻm
Mặt đường to người ta nhận mất rồi
Mẹ muốn tìm một chỗ để ngồi
Bán mớ rau,hoa,quả ,vườn thơm ngọt
Nhặt nhạnh những đồng tiền chân thật

Chắt chiu để giành lo ngày giỗ cho anh
Mà nhiều khi cũng phải cạnh tranh
Nơi góc chợ với hàng tôm,hàng cá.''
      Có chăng bên cạnh sự bù đắp nhỏ nhoi, một niềm mơ ước của mẹ cũng thành hư vô. Cái mất đi không bao giờ lấy lại được, huống chi cuộc sống đương thời lại oằn sâu trong từng thớ thịt mới nhức nhối, thức tỉnh lại nỗi đau ngày một giằng xé. Mẹ đã quá quen với sự chịu đựng hi sinh, nên chút nhỏ nhoi kia chẳng thấm vào đâu. Và mẹ sẽ tiếp tục thầm lặng chịu đựng sự thiệt thòi của xã hội. Vẫn biết rằng, còn nhiều điều trái với lương tri, trái với lẽ thường của cuộc sống nhưng ta vẫn phải chấp nhận. Mẹ vẫn mãi kiên trì, nhẫn nại chịu đựng trong bình lặng để giữ cho linh hồn con siêu thoát vĩnh hằng. Các anh ơi! Hãy nghe tiếng lòng của những người thân:
      ''Qua đi bao tháng năm ròng,
      Thân anh còn gửi trong lòng đất sâu.
      Ở nhà mẹ vẫn nguyện cầu,
      Để hồn anh rực rỡ mầu hào quang".
      Ầu ơ..........lời mẹ ru con vẫn vang vọng đâu đây. Bầu sữa mẹ ngày xưa đã cạn kiệt theo dòng đời khắc nghiệt, nhưng ''Bầu Sữa Tâm Linh'' trong tâm hồn mẹ vẫn căng tròn, không bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ. Nơi anh yên nghỉ sẽ mãi là vùng trời bình yên bởi "Cánh Tay Tâm Linh" của mẹ luôn dang rộng, che chở cho anh. Anh hãy yên lòng nơi đất đỏ, rừng xanh cây lá. Bởi một lẽ bình dị dịu dàng: Nơi ta ở,Trời là Cha Đất là Mẹ và mãi là Quê Hương.
ĐÔI DÒNG CẢM NHẬN VỀ TÙY BÚT CỦA VÂN ANH
Thể loại Tùy bút thường dùng cho những đề tài phóng khoáng, bay bổng, ngợi ca và diễn trải lòng trước những bao la hùng vĩ. Nhà văn Nguyễn Trung Thành với tùy bút: “Đường chúng ta đi”, Thép mới với tùy bút “Tre Việt nam”v.v…Hôm nay tôi nhận được một tùy bút với đề tài xem ra không dễ để bung thả tâm hồn: Nỗi đau lòng mẹ.
Đọc đi, đọc lại thậm trí còn copy toàn bộ về máy mình rồi nâng cỡ chữ to lên để đọc cho đỡ mỏi mắt, tôi nhận ra một tâm hồn nhân hậu, rung cảm đến lạ. Lạ vì tác giả bài viết này sinh ra sau chiến tranh, chưa hề được nghe tiếng bom gào, đạn réo và càng không thể được nhìn thấy mhững giọt lệ rơi trên mắt mẹ lúc nhận tờ “thông điệp rụng rời” – giấy báo tử.
Thế nhưng những lời viết ra trên đây không hề để lộ sự non trải nghiệm đời.
Tác giả đã đưa chúng ta về nơi ẩn náu lặng chìm trong sâu thẳm nỗi đau của người mẹ anh hùng mất con trong lửa đạn chiến tranh. Cứ theo đà suy tưởng này tôi sẽ viết thật dài về sự xúc động của mình khi đọc. Nhưng là người trong cuộc, nước mắt đã trào ra. Xin cảm ơn thật nhiều thay cho mọi ngôn từ đang cuộn chảy trong tâm tưởng của tôi – người chiến sĩ, người em trai của liệt sĩ, người đồng đội chung chiến hào đánh Mỹ của cha, anh mình và là con của mẹ…


Khi đăng bài viết: "NGÀY GIỖ CỦA ANH", Mẹ tôi và gia đình chúng tôi đã nhận được sự sẻ chia chân thành của các bạn bloger trong và ngoài nước. Chúng tôi vô cùng xúc động không thể cầm nước mắt trước tình cảm mà các bạn giành cho. Tôi đã trích đăng một số lời tâm sự dưới các thể loại khác nhau trên bài viết của mình để các bạn dễ theo dõi. Tôi đã biên tập và in ra toàn bộ lời bình của các bạn thành một tệp gồm 40 trang A4 để lưu giữ làm kỷ niệm thiêng liêng vô giá. Trong ngày giỗ của anh trai tôi, Liệt sĩ Ngô Đảo Tư, chúng tôi sẽ đặt những lời ân tình của các bạn lên bàn thờ anh, sau đó sẽ đốt cháy và đổ rượu vào gửi tới anh với hy vọng ở cõi vĩnh hằng, Anh và các đồng đội sẽ đọc được những lời chia sẻ chân thành và sâu sắc của chúng ta.

                                                                                      TOÀN THẮNG

Cảm nhận của VIOLET(http://vn.360plus.yahoo.com/haumarketing)

Sau chiến thắng bao giờ cũng có xen lẫn vài nỗi đau
Sau một hạnh phúc có khi nào là vĩnh cữu ?
Sau cái tên anh _ tên bất hữu
Là mắt mẹ sầu ... khóe rưng rưng

Ai có biết đằng sau nỗi vui mừng
Ngày thống nhất non sông đất nước
Mắt mẹ nhăn , nếp nhăn nhiều hơn trước
Lệ chẳng còn , nó chảy ngược vào tim

Ngược xuôi tìm chút kỷ niệm êm đềm
Mong xót lại trên đường anh chinh chiến ?
Biết đâu rằng trong cơn nguy biến
Nắm xương tàn anh gửi lại nơi đây ?

Mẹ cứ đi đi mãi theo tháng ngày
Theo chân bước chỉ rừng cây và lá
" Ngày đoàn tụ ... Tư ơi xa ... xa quá
Nắm xương tàn con gửi lại nơi đâu ? "

Mấy mươi năm tóc mẹ đã bạc mầu
Tháng lại ngày niềm mong sầu len lỏi
Suốt mấy mươi năm chỉ giấc mơ : ít ỏi
" Biết bao giờ mẹ gặp lại ... Tư ơi _ dù chỉ còn miếng xương tàn lạnh lẽo bơ vơ

Thưa Bác Thắng , xin phép chi Vân Anh .
Thứ lỗi cho em khi đọc entry này em đã khóc , khóc cho sự chia lìa đau xót ."Cốt nhục thâm sâu máu đào tuôn đổ "...

Vạn lời đau , vạn câu sầu , ngàn giọt nước mắt làm sao vơi đi trong lòng người thân niềm thương xót . Anh đã đi ... Vâng , anh đã đi nhưng kỷ niệm về anh vẫn còn đó , còn trong mắt mẹ xót xa , còn trong ánh mắt người em đau xót .

Làm giỗ con mình vào ngày giỗ chung của các anh hùng liệt sĩ , mẹ nghẹn ngào cắn chặc môi ngăn dòng nước mắt . Mà có lẽ mẹ cũng chẳng còn khóc được nữa sau chừng ấy năm mẹ lăn lội thân cò mong tìm chút di vật , chút xương tàn của đứa con hi sinh ngoài trận tuyến . Gia tài của mẹ chỉ còn lại là nỗi nhớ về anh và tờ giấy báo tử nay đã nhòe vì bao ngày mẹ khóc . Mẹ mong mỏi một ngày đoàn tụ cùng anh , dù anh là cơn gió thoảng qua hay thậm chí ...là nắm xương tàn ...lạnh lẽo cô đơn nằm khuất đâu đó .Mẹ mong ...

Chừng ấy năm chẳng ngày nào mẹ thôi nhớ mong , thôi mong chờ tin tức hài cốt của đứa con anh dũng . Nỗi nhớ ấy càng dày thêm khi hàng năm ngày ấy đến , ngày thương binh liệt sĩ _ ngày giỗ của anh , ngày giỗ của toàn thể các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh .

Độc lập thống nhất non sông , từng người con anh dũng trở về với gia đình thân yêu . Mẹ khóc _ những giọt nước mắt cho ngày thống nhất , những giọt nước mắt cho đứa con yêu của mẹ . Nếu anh về bây giờ mẹ cũng đã có những đứa cháu con anh vui vầy . Nghĩ đến đây mẹ lại khóc , khóc cho người con trai chưa một lần nếm trải hương vị cuộc sống gia đình bên những đứa con ,thâm chí ... chưa từng nếm trải vị ngọt ngào hay mặn đắng hay đong đưa của bờ môi người con gái . Mẹ xót xa ...

Mẹ xót xa cho thời cuộc , xót xa cho thời buổi loan lạc . Giá mà thời điểm ấy nhà nước bớt loạn lạc thì những gì còn lại của anh không chỉ là tờ GIẤY BÁO TỬ nhàu nát .Thậm chí mẹ chẳng có bất cứ di vật gì của anh ngoài niềm thương nhớ đã khắc sâu trong tiềm thức của mẹ ,tấm ảnh in từ tờ giấy căn cước và một ánh mắt _ một ánh mắt của anh vì mẹ luôn tin rằng dù anh có đến bất cứ nơi đâu hàng ngày anh vẫn dõi theo bước chân còng của mẹ .

Chưa từng nếm trải hương vị chiến tranh , chưa từng nằm trong máu lửa nhưng những gì tôi cảm nhận về chiến tranh , về nỗi đau xót khi chia xa không chỉ là sách vở hay là những vần thơ mà còn qua chính hiện thực của 2 đấng sinh thành của tôi . Tía tôi luôn luôn dạy : "Phải biết uống nước nhớ nguồn ,kính trên nhường dưới ,nhường nhin lẽ phải nhưng không bao giờ nhúng nhường quân cà chớn ". Lời ấy tôi luôn khắc sâu . Dù Tía tôi bất mãn một số vấn đề khi hòa bình được lập nên đã xin nghỉ công việc về hưu sớm nhưng Tía chưa bao giờ nói xấu về nhà nước về chế độ bấy giờ . Tía luôn luôn nói : Vì mình không thể là họ nên mình không thể trách ai điều gì , nếu muốn trách Út chỉ nên trách bản thân Út không thích nghi được hoàn cảnh ".

Đạo lý sống , nỗi đau khi chia cách được Tía mẹ tôi kể cho tôi hàng ngày khi ru tôi ngủ . Nó thấm nhuần trong tư tưởng của tôi ngày này sang ngày khác thành một tình thương vô bờ bến với những mảnh đời bất hạnh , những hi sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ hi sinh .
Những gì tôi làm được cho anh bây giờ chỉ là chút cảm nhận về anh nhưng tôi tin ở nơi nào đó , anh sẽ nhận được và mỉm cười , vơi bớt phần nào nỗi cô đơn , lạnh lẽo nơi góc rừng sương lạnh .
KÍNH DÂNG HƯƠNG HỒN ANH TƯ .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét