Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Hành trình đem đông ấm đến mảnh đất Cao Bằng - "Đông ấm vùng cao 2012"

Tối 11/01/2013, Hà Nội chìm trong giá lạnh. Những dòng xe trên phố chen nhau, hối hả. Ai cũng muốn đi thật nhanh về nhà tìm chút ấm áp. Thế nhưng, ở một góc con đường Trần Đại Nghĩa, Hai Bà Trưng, có một chiếc xe khách chở 34 TNV và một chiếc xe tải chở hơn 50 bao tải quần áo ấm, rất nhiều bánh kẹo, bút, vở bắt đầu lăn bánh đến với mảnh đất Cao Bằng, nơi mà những người dân đang co lại trong giá rét. Xe lăn bánh cũng là lúc tiếng ca tuổi trẻ bắt đầu được cất lên, những khúc ca Nhân Ái, khúc ca tình nguyện làm không khí trong xe nóng lên. Ai cũng hát say sưa bằng cả niềm háo hức và mong đợi đến với Cao Bằng. Những tiếng ca lắng xuống là lúc mọi người được giới thiệu về mình và làm quen với các TNV khác. Nhưng câu giới thiệu hài hước, dí dỏm lại làm cả xe được cười thật vui. Cả xe đã biết tên nhau, sẵn sàng cùng nhau chung sức, đồng lòng mang hơi ấm lên núi cao.

Con đường lên Cao Bằng đi qua Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Trời càng về đêm nhiệt độ càng giảm mạnh. Sương giăng kín và rơi xuống làm ướt đẫm các ô kính xe, ngấm cả vào bên trong. Những người anh em nằm sát, ngả đầu vào nhau, đắp chung chăn và tranh thủ ngủ. Chú lái xe đã phải rất vất vả và khéo léo để vượt qua những quãng đường cua ngắn, vòng vèo, lên xuống, khúc khuỷu. Đã có lúc lạc đường, có lúc xe bị hỏng thế nhưng con đường đến với thiện nguyện cuối cùng cũng thuận lợi và xuôn sẻ. Trời sáng dần và khoảng cách với Cao Bằng ngày một ngắn lại. Mọi người hầu như đã tỉnh dậy. Cảnh bên ngoài hiện lên đẹp lung linh như tranh vẽ. Núi gối núi, mây gối mây, sương trắng giăng kín bầu trời, phủ kín cảnh vật. Màu hàm của rừng, màu trắng của mây và sương, sắc nâu của những mái nhà sàn như đang phối với nhau, trộn vào nhau, hòa cùng nhau làm nên bức phong cảnh mà người họa sĩ tài năng như thiên nhiên mới có thể tạo nên.

Áp mặt vào ô kính, tròn xoe đôi mắt, cô bé trước chuyến đi có bao nhiêu tâm trạng cũng đã bị cuốn hút và chẳng còn nghĩ được gì ngoài tặng cả tâm hồn mình cho thiên nhiên nơi ấy. 9h sáng 12/01 xe dừng tại chợ Bảo Lâm. Mọi người xuống xe, lúc này trời đang mưa nhỏ. Những hạt mưa đủ làm ướt tóc, ướt áo, đủ làm cho mọi người cảm nhận rõ cái lạnh khắc nghiệt nơi đây. Vận chuyển đồ đạc xuống xe và bắt đầu hành trình đi bộ gần 10km vào xã Vĩnh Quang. Ba lô quần áo, bình nước, vở và rất nhiều đồ đạc nặng, mọi người đều cố gắng giúp nhau xách đồ để vượt qua được quãng đường dài. Các thầy, cô và những người dân ở đây thật tuyệt, họ là những tay lái “trường sơn” không quản ngại đường xa, lạnh giá, bùn đất đi hết chuyến này đến chuyến khác giúp chúng tôi chở đồ, chở TNV dần vào xã. Khó khăn nhất trong hành trình vào xã của chúng tôi là đoạn đường đất trơn trượt. Xe tải chở quần áo ấm và bánh kẹo không thể vào được bởi con đường quá nhỏ, quá lầy và quá dốc. Chúng tôi phải truyền tay nhau vận chuyển lên. 34 tình nguyện viên nối nhau, xếp thành hàng dọc con đường, đưa lên vai nhau những tải quần áo nặng trĩu. Bấm chặt chân xuống đất, nắm chặt tay nhau đi qua con đường đất lầy bán kính chưa được nửa mét. Những đôi giầy phủ kín bởi mùa nâu của đất, quần áo mỗi chỗ một vệt bẩn, ướt nhèm, vai trùng xuống, tay đỏ ửng và tê buốt, ấy vậy mà khuôn mặt ai cũng rạng rỡ, bước chân của mọi người ngày càng nhanh, một xe tải quần áo và đồ đạc nhanh chóng được tập kết trên núi. Những chiếc áo khoác, áo len, găng tay, khăn, mũ đã được cởi ra từ lúc nào không rõ. Dường như cái lạnh giá nơi đây đã bị xua tan bằng nhiệt huyết, bởi sức trẻ. Đồ đạc tiếp tục được vận chuyển vào trung tâm xã nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô và người dân, còn chúng tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình đi bộ vào. Thiên nhiên nơi đây như đưa chúng tôi vào tiên cảnh, sương khói mờ ảo, những con đường cứ uốn lượn, dốc hút tầm mắt. Đứng ở chỗ nhào cũng có thể nhìn xuống thấy cánh đồng lúa kiểu bậc thang nối dài, nhìn lên là mây, là núi như đang ngay trên đỉnh đầu mình.

Chưa bao giờ chúng tôi thấy mình gần với thiên nhiên như thế. 12h30 phút, cả đoàn chúng tôi có mặt đầy đủ tại trung tâm xã Vĩnh Quang và bắt đầu vận chuyển đồ vào UBND xã. Những cô cậu học trỏ nhỏ như lạ, như quen cùng góp sức khuân quần áo, bánh kẹo. Lần đầu tiên tôi gặp các em, tôi thật sự ngỡ ngàng bởi cái nghèo, cái rét hiện lên trên từng khuôn mặt, trên từng bộ quần áo các em đang mặc. Cái rét dưới 10 độ đang phủ kín không gian, vậy mà em chỉ có chiếc váy dân tộc mình, cái áo mỏng manh, cái mũ len đã rách bươm, đôi chân trần đầy bùn đất, bàn tay em nứt nẻ rớm những chút máu trên móng tay nhỏ. Người em run run nhưng miệng em cười, nụ cười thiên thần. Đồ đạc đã được xếp gọn tại một phòng trung tâm xã. Các em nhỏ đến ngày một đông và dù đã đi quãng đường xa, mệt mỏi, đói nhưng việc đầu tiên chúng tôi làm là gần bên các em, cho các em chơi và dạy các em múa, hát. Chỉ cần nhìn t5hấy các em vui cười thì mọi thứ đối với chúng tôi đã không còn quan trọng nữa. Mưa nơi xóm núi ngày một nặng hạt, cho các em trú mưa trên hiên ủy ban cũng là lúc chúng tôi tranh thủ ăn cơm trưa, lấy lại sức cho một chương trình dài, ý nghĩa của buổi chiều. Bữa cơm đậm chất núi rừng được dọn ra thật ấm cúng. Chúng tôi ai cũng ăn thật ngon không chỉ bởi vì đói, không chỉ bởi những món ăn đậm thiên nhiên mà còn vì sự quan tâm và yêu thương mà các thầy cô đã gửi trọn vào đó. Tôi ăn nhanh và vội vàng ra với những đứa trẻ. Với vội chiếc lược trong ba lô, tôi chải đầu cho em. Đã đi nhiều nơi, chải đầu, buộc tóc cho bao nhiêu đứa trẻ mà chưa bao giờ trong tôi lại trào lên nỗi nghẹn ngào như thế. Đầu em như bị rắc lên rất nhiều lớp cát, lớp bụi. Đưa một lần lược qua mà tôi không nhấc tay ra được bởi sự rối rắng của mái tóc tơ nhỏ. Chắc chăn rằng phải lâu lắm rồi, hơn một tháng có lẽ là ít em chưa được gội đầu. Bàn tay em nào cũng nẻ, cũng nứt, móng tay nhét đầy là bùn, là đất. Vì sao mà các em không được giữ vệ sinh như thế? Vì cái đói? Vì cái nghèo? Vì dân trí thấp? Hay vì quá quen với cảnh sống như vậy của bao lớp người nơi đây? Nỗi băn khoăn của những câu hỏi chẳng có đầu có cuối cứ chạy trong tôi, đôi mắt tôi nhìn, tay tôi chải tóc mà nước mắt tôi rơi. Tôi thương các em. C

hương trình của chúng tôi bắt đầu từ khi nào cũng chẳng rõ, có lẽ là từ lúc các em xếp hàng, từ lúc chị chủ nhiệm từ lúc các em đưa tay lên múa những động tác đầu tiên, từ lúc hai tay các em làm theo chúng tôi, xoa vào nhau, dậm chân, “ấm quá”, “ấm quá”. Không câu lệ nghi thức, lễ tiết; không có kính thưa, kính gửi, cũng chẳng có tặng hoa, giới thiệu… ấy vậy mà chúng tôi làm nên một chương trình thực sự ý nghĩa, thực sự ấm áp chưa từng có ở mảnh đất Vĩnh Quang. Những đứa trẻ Vĩnh Quang lần đầu tiên biết đến điệu nhảy chicken dance, lần đầu tiên các em được chơi trò “con thỏ ăn cỏ”, “thấp, cao..”, “kết chùm”. Lần đầu tiên những đôi tay bé nhỏ, rụt rè ấy đưa lên múa dân vũ “Trống cơm”. Có những đôi tay run run, đôi chân lấm bùn cứng lại vẫn cứ đều theo nhịp, nhún nhảy, hồn nhiên với những gia điệu thân thương. Các em hát “Quốc ca”, “Đội ca” không đều, không đúng giai điều mà sao lại đáng yêu đến thế. Những ca khúc thiếu nhi vang lên từ những đứa trẻ xóm núi sao khác với lời ca trên đài, trên ti vi nhiều đến vậy? Tôi tìm thấy bao nhiêu sự thơ ngây, sự sáng trong và hồn nhiên. Trời ngày càng tối và thời tiết càng lạnh dần, thế nhưng không khí trên sân Uỷ ban xã cứ ngày một ấm lên. 310 chiếc áo khoác ấm được chúng tôi mặc lên người các em, cẩn thận, yêu thương. Không chỉ các em mà chúng tôi cũng thấy mình ấm lên. - Em còn lạnh không? - Hết lạnh. - Đi học nhớ mặc ấm nhé e. - Vâng Những chiếc khăn chúng tôi tự tay đan cũng được quàng lên cho em ấm áp. Những gói bánh, kẹo, những miếng dán hoạt hình, cả những chiếc bút nhỏ cũng như đã đổi lấy được rất nhiều nụ cười của các em.
Chúng tôi vui, chúng tôi hạnh phúc ngập tràn vì được là sứ giả, đem yêu thương của bao người đến với các em. Những em bé ở xa trung tâm, cách mấy quả núi, mấy sườn đồi không thể đến chung vui cũng được gửi lại áo ấm. hơn 50 bao tải quần áo các loại, 1000 chiếc bút bi và rất nhiều rất nhiều bánh kẹo cũng đã được gửi lại nhà trường và chuyển đến các em hôm sau. Hoàng hôn buông xuống, sau bao ngày lạnh giá và mưa phùn, những ánh nắng cuối ngày xuất hiện như càng làm ấm hơn một ngày nơi đây. Mẹ em cười, ba em cười, em cười, cô giáo em cũng cười. Tất cả mọi người trên sân ủy ban hôm ấy đã cười, những nụ cười của yêu thương, của hạnh phúc bất tận. Và chúng tôi biết rằng những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân, cả những TNV đã và đang đóng góp, ủng hộ cho chương trình cũng đang cười vì những đóng góp nhỏ nhưng đáng quý của mình.

 Đêm Cao Bằng nhiều sương, gió lạnh nhưng chúng tôi đều cảm thấy ấm áp. Bên đống lửa bập bùng, anh đánh đàn, mọi người cùng hát ca. Bên chén rượu ngô bao câu chuyện của thầy, của anh chủ tịch xã thân tình, cởi mở. Cây đàn tính với điệu nhạc của chàng trai bản vang lên làm say lòng những trái tim trẻ. Ấm áp, ngọt ngào giữa không gian núi rừng, chị, cô gái miền xuôi lại cất lên câu ca về Cao Bằng hay và tình cảm đến thế. Một đêm của “tình”. Ngủ ngon bên hơi ấm của rượu cay, ngủ say trong vòng tay ấm áp của những người anh em, chúng tôi đón bình minh đầy sương, đầy gió với bát mì nóng mà ban hậu cần đã dậy từ rất sớm chuẩn bị. Những hình ảnh quen thuộc trên các chuyến đi lại xuất hiện, bát mì tôm nóng mấy người chụm đầu ăn chung, đút cho nhau, thổi phì phò và lại cười ròn vang. Thêm khoảnh khắc, thêm yêu thương. Cái giờ phút chia tay ngấn lệ cuối cùng cũng đến. Chia tay các thầy cô, chia tay vĩnh Quang bằng câu hô vang đồng thanh “Tạm biệt bà con, tạm biệt Vĩnh Quang” đã làm bao người anh em quay đi giấu nước mắt. Chiếc xe tải đưa chúng tôi ra ngoài chợ huyện với bao nhiêu xúc cảm bao nhiêu luyến lưu. “Bao giờ có dịp quay lại đây nhỉ”? “Giá mà có thể ở đây thêm vài ngày”, “Mình không muốn về”…

Thế là hành trình đem Đông Ấm đến với mảnh đất Vĩnh Quang – Bảo Lâm – Cao Bằng của chúng tôi đã kết thúc. Bao nhiêu dư âm còn đọng lại, những hình ảnh về những đôi chân trần bám đầy bùn đất, bấm chặt xuống đường, run run rảo bước của những thiên thần vẫn còn vẹn nguyên trong mỗi TNV. “Đông Ấm vùng cao 2012”, CLB Nhân Ái chúng tôi đã đem đến cho các em nhỏ 310 chiếc áo ấm mới, hơn 50 bao tải quần áo ấm, khăn, mũ,tất, 310 xuất bánh kẹo, 1000 chiếc bút bi và rất nhiều vở ô ly, cho các em một buổi chiều được chơi vui vẻ, cho các em được học hát, học múa, được cười, được vui và thể hiện những năng khiếu của mình. Chương trình thành công không chỉ bởi những gì chúng tôi đã mang đến cho các em, cho người dân mà bởi hành trình đem yêu thương ấy đã đánh thức chúng tôi về cuộc sống khó khăn, nghèo đói của đồng bào vùng cao, cho chúng tôi biết quý trọng những gì mình đang có, nhắc chúng tôi về trách nhiệm của mình với xã hội, nhắc mình phải đi nhiều hơn nữa, làm nhiều hơn nữa để “Kết nối tấm lòng - Chia sẻ yêu thương”.

3 nhận xét:

  1. Chúc bạn bình an, sức khỏe để ngày càng đưa nhiều điều tốt đẹp đến cho các em nhỏ nghèo khó ở mọi miền

    Trả lờiXóa
  2. Sang thăm em gái đêm an lành, ấm áp, ngủ ngon giấc nhé em !

    Trả lờiXóa