Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

Trân trọng, cảm động và nhân văn – Buổi giới thiệu 2 tập thơ “Thương lắm mai sau” và “Giọt lệ đơn côi” (28/11/2010)

Vào hồi 9 giờ, ngày Chủ Nhật, 28-11-2010, tại 23 Đại Cồ Việt- Hà Nội, Website www.lucbat.com đã phối hợp với CLB Bloggers Tấm Lòng Bè Bạn tổ chức giới thiệu tập thơ “Giọt lệ đơn côi” của tác giả Phong Linh và tập thơ “Thương lắm mai sau” của tác giả Nguyễn Hữu Thịnh - 2 Đại diện vùng miền của lucbat.com.
Đến dự có đại diện các cơ quan thông tấn báo chí: Nhà xuất bản CAND, Tạp chí Hữu Nghị, Đài TH kỹ thuật số VTC, O2TV, Đài PT-TH Hà Nội, Báo Văn Hóa, Báo Người Cao tuổi, Báo Đại Đoàn Kết… và đông đảo các Blogger, bạn bè, người thân của 2 tác giả Phong Linh và Nguyễn Hữu Thịnh. Buổi giới thiệu sách đã diễn ra trong không khí trân trọng, cảm động và đầy tính nhân văn...
(Dự kiến, Chương trình “Kho vàng tri thức” Kênh truyền hình VTC2, sẽ phát sóng về buổi lễ giới thiệu tập thơ của 2 tác giả Lucbat.com vào 20h ngày 06/12/2010).
Nguyễn Hữu Thịnh – Gập ghềnh nhớ nhung và 'Thương lắm mai sau'
Nguyễn Hữu Thịnh tên thật là Nguyễn Văn Thịnh, sinh ngày 11-10-1981 tại thôn Mậu Duyệt, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, bị bệnh liệt từ nhỏ do nhiễm chất độc màu da cam, di truyền từ người bố - ông Nguyễn Xuân Luật, một cựu chiến binh của chiến trường miền Nam trong Kháng chiến chống Mỹ, hiện là giáo viên trường Cao đẳng Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang. Mẹ Thịnh là nông dân. Là con thứ hai trong số 4 anh chị em và là người chịu yếu đau nhất. Học hết lớp 2 thì bệnh nặng nên không thể đến trường được nữa. Ba người anh chị em còn lại đều ốm yếu, nhưng họ đều đi học được. Nguyễn Hữu Thịnh làm thơ khoảng 10 năm nay. Đã sáng tác được hơn 300 bài thơ, bước đầu đã được đăng tải trên một số tạp chí và được giới thiệu trên Đài VTV1, VTV4 từ năm 2004.
Hãy nghe Nguyễn Hữu Thịnh tâm sự: “Cũng may mắn tôi được sinh ra trong một gia đình nề nếp, có giáo dục, ấp áp tình thân và cũng không thiếu thốn về vật chất lắm, tôi cũng không bị làng xóm xa lánh. Bởi vậy tôi vẫn nhủ mình sẽ gắng sống tốt hơn và bao dung hơn với những nỗi đau, những mất mát, thiệt thòi và những gì còn lại.  Nhưng, tôi vẫn chẳng thể nguôi ngoai những trăn trở, những lo âu và buồn thương những gì trong đời. Tôi vẫn khắc khoải và khát khao có một bờ vai, một trái tim thật sự để cho mình nương tựa đi tiếp quãng đường dài phía trước. Tháng năm kia vẫn mãi trôi đi; Tôi lớn lên và già đi có lẽ vẫn mang trong trái tim, trong tâm hồn một nỗi cô đơn nguyên vẹn giữa cuộc đời.”
Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi đã nhận xét: “Đọc thơ Thịnh một niềm hân hoan thực sự đến trong nhận biết của tôi là thơ anh không chỉ tỏ ra chững chạc, nhuần nhị mà sâu hơn anh đã cho thấy một ý thức tìm tòi sáng tạo, một đam mê mãnh liệt với thơ. Điều này là rất quý bởi nó chứng tỏ bước đầu sáng tác đã thoát ra biểu hiện tự nhiên, tự phát do những áp đặt của hoàn cảnh… Tập thơ của Nguyễn Hữu Thịnh đã mở trước chúng ta. Anh đến với chúng ta không chỉ cần ở chúng ta sự đồng cảm nghệ thuật, mà điều anh cần hơn ở chúng ta là tình yêu thương, trân trọng. Trong thơ anh không ít lần hát gọi lên điều ấy. Và có ai trong chúng ta sống thiếu được nguồn tình cảm vô cùng thân thương đó!”.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết những dòng đầy tình cảm: “Khuya mở máy tính, hiện ra bức thư của một người lạ. Đọc xong bức thư, tôi vào Google tìm kiếm và biết người đó là con thứ 2 của một cựu chiến binh bị ảnh hưởng chất độc màu da cam. Anh chỉ học hết lớp 2 rồi tự học làm thơ. Thơ anh đã được công bố trên báo, đài, truyền hình, và trên mạng. Đọc những vần thơ của anh không kìm được xúc động. Đúng như anh tâm sự, anh học Hàn Mặc Tử, nhưng theo tôi đó chính là số phận đã sinh ra điệu thơ ấy: Ngọt ngào một khúc – dâng dâng đắm/ Ấm… lạnh… con tim vết cọ mài!”.
Nói về mơ ước của mình, Thịnh chỉ mong muốn một điều là xuất bản được một tập thơ để đem tiếng lòng mình tri ân với cuộc sống này. Và nữa, một ước mơ giản dị, là được về thăm Văn Miếu một lần vào đúng ngày thơ Việt Nam, khi ấy 'Thịnh được sống trong không khí của thơ ca thực sự, được ngắm nhìn những gương mặt thơ mình ngưỡng mộ, như vậy là đã mãn nguyện lắm rồi'. Bây giờ, mơ ước của Thịnh có một tập thơ đã trở thành hiện thực.
Buổi lễ ra mắt tập thơ của Nguyễn Hữu Thịnh rực rỡ hoa, rất nhiều các anh, chị phóng viên báo chí, truyền hình đến đưa tin và phỏng vấn. Cô bé Nhi ngày nào đã lớn, má đã lúm hồng, mắt đã lúng liếng, không còn chơi đánh cờ, chơi tú lơ khơ nữa. Hôm nay, trong buổi ra mắt sách Nhi đã đứng trước Mic, trò chuyện về những kỷ niệm thiếu thời và đọc những dòng thơ đầy cảm xúc của “Anh đấy”:
“…Cô lọ lem chả ngây thơ nữa rồi
Lơ khơ giờ chả buồn chơi
Đã xa xa quá cái thời… tuổi thơ
(Lơ khơ lọ lem).
10h15, nhà thơ Ý Nhi từ trong TP Hồ Chí Minh đã gọi điện ra, điện thoại được bật loa ngoài cho mọi người cùng nghe. Nhà thơ Ý Nhi chúc mừng Nguyễn Hữu Thịnh ra mắt tập thơ đầu tay và mong muốn Thịnh tiếp tục giữ vững niềm tin trong sáng vào cuộc sống, vào thi ca, vào tình người. Đó chính là những điểm tựa vững chắc với bất kỳ ai đó, khi mang trong mình quả tim đầy khát vọng sống có ích cho xã hội, đóng góp những giá trị nhân văn cho cộng đồng, khi đó mới thấy mình không còn vô nghĩa.
Đông đảo bạn bè, những người quen biết Nguyễn Hữu Thịnh đã đến chia sẻ, phát biểu cảm nghĩ, và khâm phục một tấm gương, một nghị lực sống hiếm có trong cuộc đời.

Hai tác giả Phong Linh cg và Nguyễn Hữu Thịnh trong buổi giới thiệu thơ
Phong Linh cg - Chuông gió đã ngân vang để mọi người cùng đồng cảm và chia sẻ
Tác giả Phong Linh tên thật Lê Thị Như Hằng sinh ngày 15.11.1981 tại An Khang - Yên Sơn -Tuyên Quang. Hiện sống và làm việc tại Saint Petersburg (Nga). Là một tác giả trẻ, nhưng Phong Linh đã kịp gửi tới bạn đọc nhiều tác phẩm thơ lục bát khá ấn tượng. Được biết gần đây Phong Linh mắc phải một chứng bệnh hiểm nghèo: U não! và Linh đã phải trải qua một lần phẫu thuật.
Mỗi người có một giấc mơ, khi khoẻ mạnh người ta ước mơ nhiều thứ lắm, còn khi ốm đau, người ta lại cầu có sức khoẻ và khi con người ta mất đi, mất đi là hết. Trong cuộc sống có những nỗi đau mất mát làm ta đau, đau suốt cả chặng đường, chẳng bao giờ nguôi ngoai... Tôi mới học làm thơ từ khi, trong cuộc sống này, một ngày tôi nhận ra rằng tất cả không thể nào đẹp như gấm hoa... không thể nào hiện hữu điều gì vĩnh hằng... Tôi đã đọc ở đâu đó: Kiếp con người giống như những ngọn nến. Có ngọn cháy sáng, có ngọn lập lòe, có ngọn le lói và có những ngọn âm ỉ cháy khá lâu. Nhưng khi cơn gió ập đến, có mấy ngọn còn có thể cháy được mãi như mong muốn. Nến tắt có thể đốt lại, nhưng kiếp người, tắt rồi có thể đốt lại không?” (Phong Linh)
Xa quê hương Việt Nam, đã gần 10 năm nay, hàng đêm Linh vẫn khóc thương mẹ. Chỉ một tiếng mẹ mà cứ in mãi vào lòng, như ru thật khẽ nỗi nhớ nhà đang gào thét trong tim hòa lẫn với từng cơn đau bệnh. Với mỗi con người, mỗi đời người qua đi trong kiếp này giống như một chiếc lá vàng rơi…
Phong Linh đã tiên lượng điều gì khi viết: “Cứ như đã hẹn trước nên cứ độ thu về, cây trút đi những chiếc lá, một thời còn xanh, nay vàng úa rụng rơi; nhưng đôi lúc gió vô tình làm chiếc lá xanh không phải mùa thu cũng rời cành rụng xuống… Mấy khi nến trước gió mà không tắt giống như con người khi mang trọng bệnh mấy ai có đủ nghị lực để chống trả với thần chết đang đợi sẵn. Ai sẽ hiểu tôi, ai hiểu được những tinh thần đang bị giằng xé bởi những cơn đau do bệnh tật mang lại, ai sẽ hiểu được thế giới này khi ta mãi ra đi”.
Trong 1 bài thơ ai đó đã lãng mạn viết cho Phong Linh cg:
Em/ Điện thoại di động/ Thời gian
Muốn đớp lấy ngày 14 tháng 2

Kim Bờ Hồ/ toả nhiệt/ Thập giá phước lành
Yêu như chết/ Mặc tuyết

Tình cờ cọ mi vào chiều Saint Petrersburg
Dòng Neva xước anh bằng nước mắt
Môi tình nhân khoả sóng
Thanh thản nỗi buồn thánh!

Liệu điều giản dị đó có đúng không Phong Linh cg? Như chính Phong Linh cg đã viết: “Tiếng chuông ngân thuở sơ đầu/ Vọng theo năm tháng đi đâu vẫn còn”.
Đến với Phong Linh cg, bất chợt thấy mình dịu dàng và biết chia sẻ. Trò chuyện với Phong Linh cg, thấy khâm phục một nghị lực phi thường trong chói lọi tốc độ đời sống. Đọc thơ Phong Linh cg, thấy tâm hồn rực rỡ nở hoa, cuộc đời hốt nhiên lấp lánh, giàu có và ý nghĩa một cách bất ngờ.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã nói: Sống nhiều chứ không phải là sống lâu. Đấy mới là điều quan trọng, vì trong thực tế có những người sống cả trăm tuổi, nhưng ý nghĩa cuộc sống, tình bạn, tình yêu, bè bạn… lại không có gì đáng để viết đủ một trang giấy.  Byron cho rằng: “Để biết niềm vui, phải biết chia sẻ. Hạnh phúc sinh ra từ hai thứ đó”.
Tập thơ 86 bài, đang phổ vào gió những hồi chuông, dù cay đắng mà lấm hương thơm tình yêu.
Phong Linh cg cũng giống như bao tác giả trẻ khác: Những bước chân đầu tiên trên con đường Văn học, thường không tránh khỏi chập chững, nhưng háo hức lạ thường. Hãy ủng hộ và tạo điều kiện cho Phong Linh, để những câu thơ của cô mãi ngân vang như những chiếc chuông gió”. (Đặng Vương Hưng) Vậy thì trước hết, với tư cách là một người bạn, tôi xin phép được đá chân chống, bẻ gương, nổ máy, vào số đi vào thế giới thơ của Phong Linh cg: GIỌT LỆ ĐƠN CÔI.
Thật kỳ diệu, sau 10 năm biền biệt xa quê, chống lại bệnh tật, Phong Linh cg đang ở trước mặt mọi người trong buổi sáng chủ nhật mùa đông giới thiệu thơ tại 23 – Đại Cồ Việt – Hà Nội, bất ngờ và tròn đầy như một pho cổ tích.
Chuông gió đã ngân và bây giờ là lúc những ai đồng cảm, chia sẻ, cùng ca hát.
CHÙM ẢNH BUỔI GIỚI THIỆU 2 TÁC PHẨM
'GIỌT LỆ ĐƠN CÔI' VÀ 'THƯƠNG LẮM MAI SAU'.



Toàn cảnh buổi lễ giới thiệu sách
Nhà thơ Đặng Vương Hưng phát biểu.
Phong Linh ký tặng sách, khách mời và bè bạn



Thay mặt Website lucbat.com và CLB tấm lòng bè bạn - Anh Đặng Vương Hưng tặng hoa chúc mừng hai tác giả


Chị Minh Quang nói về tác giả và tác phẩm với tâm trạng thật súc động
 

Hai tác giả - Phong Linh & Hữu Thịnh

Các phóng viên tác nghiệp

Bố của Hữu Thịnh chia sẻ tấm lòng của bố mẹ với con yêu quý của mình

Người bạn thân của Hữu Thịnh chia sẻ với bạn của mình
Song Hương hỏi chuyện
 Bé Nhi duyên dáng kể về "Anh ấy - Nguyễn Hữu Thịnh."

TraMy phát biểu cảm nhận của mình về tác phẩm



Cô giáo của Hữu Thịnh chia sẻ vè cậu học trò yêu thơ của mình

Lãng tử Đạt Ma chia sẻ với Phong Linh


Người bạn thân từ nhỏ của Hữu Thịnh cảm động kẻ về bạn mình
... Xin được cám ơn .... đã làm nên sự thành công của buổi giới thiệu sách
 

 
  Thủy Hướng Dương thay mặt Trần Hồng Giang -
BTV lucbat.com đồng thời cũng là người khuyết tật
tặng lẵng hoa cho Phong Linh - Hữu Thịnh với lời chúc hai em nghị lực hơn nữa!

Chụp ảnh kỷ niệm


Gia đình và người thân của hai tác giả.



Kỷ niệm với một số thành viên CLB Blogger Tấm Lòng Bè Bạn.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét